Lịch sử tuy đã lùi xa nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị những bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như thành quả hơn 70 năm xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để mọi người dân tiếp bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945 |
Trước đòi hỏi bức thiết của
dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã nhận sứ mệnh lịch sử
tìm một con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Trên cơ sở
nguồn giá trị văn hóa tư tưởng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và nghiên cứu học hỏi, chọn lọc, tiếp thu nguồn
giá trị văn hóa tư tưởng phương Đông và phương Tây, của các cuộc cách mạng tiêu
biểu ở Mỹ, Pháp, đặc biệt là kinh nghiệm của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng
Mười Nga- cuộc cách mạng mở ra nội dung mới của thời đại - thời đại quá độ của
nhân loại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra được một hệ tư tưởng cách mạng
sáng tạo mang tầm vóc một học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập tự do
của các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư
tưởng trực tiếp để Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam
(ngày 3-2-1930) - là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê-nin với phong trào
công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, một đội cách mạng tiên phong của dân
tộc có đủ khả năng quy tụ, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối, đấu tranh
giành lại quyền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Khi phát-xít Nhật tấn công
Ðông Dương (tháng 9-1940), thực dân Pháp đầu hàng Nhật, nhân dân Việt Nam từ đó
phải chịu hai tầng áp bức của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Tháng 6-1941,
Liên Xô tuyên chiến với phát -xít Đức. Sau đó, phe Đồng minh quốc tế chống
phát-xít gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ ra đời. Thắng lợi của Hồng quân Liên
Xô và phe Đồng minh đập tan trục phát- xít Đức- Ý- Nhật là cơ hội, là điều kiện
khách quan thuận lợi để nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền. Có một
thực tế lịch sử là vào lúc đó, tháng 8-1945, khi mà điều kiện khách quan nhìn
chung thuận lợi như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm cách mạng thành công nhanh
chóng và triệt để trong vòng 15 ngày, còn hầu hết các nước khác trong khu vực
châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, đã không thể đứng lên
làm cách mạng, giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành
công do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân thành công của
Cách mạng Tháng Tám là Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết
kết hợp điều kiện khách quan thuận lợi từ bên ngoài với những điều kiện chủ
quan trong nước đã được chuẩn bị và phát triển qua ba cao trào cách mạng:
1930-1931 và Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải
phóng dân tộc 1939-1945 với sức chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của
biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc
lập tự do cho dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ
tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-1945, Người khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền
hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân
tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do, độc lập ấy."
Vai trò của LLVT "3 thứ quân" trong cách mạng tháng Tám |
Sau hơn 30 năm tiến hành sự
nghiệp đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định. Năm 2010, thu nhập bình quân
đầu người đạt 1.200 USD, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát
triển. Lĩnh vực văn hóa- xã hội đạt những thành tựu quan trọng. Diện mạo đất
nước có nhiều thay đổi; chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được
củng cố; thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo những
tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng
cao chất lượng cuộc sống của toàn thể nhân dân.
Những thành tựu của cách
mạng Việt Nam hơn 70 năm qua khẳng định những giá trị, tầm vóc, ý nghĩa lịch
sử của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu
tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa do giai cấp công nhân
lãnh đạo giành được thắng lợi, góp phần cùng lực lượng Đồng minh dân chủ quốc
tế đánh bại chủ nghĩa phát-xít, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân loại. Cách
mạng Tháng Tám đã góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc thuộc
địa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn
thế giới. Vì lẽ đó, Cách mạng Tháng Tám được đánh giá là cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc điển hình trong thế kỷ XX. Đó cũng là ý nghĩa quốc tế từ thắng
lợi của cuộc cách mạng này.
Đối với Việt Nam, Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 thành công đã chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến lỗi
thời, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo gần một
thế kỷ đối với dân tộc chúng tôi, đưa đến sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, đem lại quyền tự do, độc lập và quyền làm chủ thực sự cho nhân
dân lao động. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới - thời đại
Hồ Chí Minh - trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm
1945 tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã để lại nhiều bài học quý
báu cho Đảng và nhân dân Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược
độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước vững mạnh theo mục
tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ở đây, chúng tôi chỉ
tập trung nêu một số bài học quan trọng:
Bài học thứ nhất là sự nghiệp cách mạng phải do một đảng
mác-xit tiên phong thật sự lãnh đạo, nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai
đoạn cách mạng, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn trong giải quyết các
vấn đề quan trọng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, như :
- Quan hệ giữa nhiệm vụ
chống đế quốc và chống phong kiến, giữa mục tiêu dân tộc và mục tiêu dân chủ,
giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp.
- Quan hệ giữa mục tiêu
chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể trước mắt, giành thắng lợi từng bước,
khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
- Quan hệ giữa chiến lược
và sách lược, phương pháp cách mạng, sử dụng đúng đắn các phương pháp đấu tranh
phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.
- Mối quan hệ giữa Đảng và
nhân dân, giữa xây dựng Đảng và phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng
được tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất.
- Quan hệ giữa sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại, giữa xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh
bên trong, nêu cao ý chí tự lực tự cường, độc lập tự chủ và sáng tạo với tranh
thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình thế giới đem lại...
Bài học thứ hai là vấn đề giành và giữ chính quyền hay xây
dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng một chính quyền của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân.
Giành chính quyền luôn là
mục tiêu của bất cứ cuộc cách mạng nào. Nhưng không phải đợi đến khi phát động
tổng khởi nghĩa toàn quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới đặt ra vấn đề giành chính
quyền về tay nhân dân. Ngay từ tháng 5 - 1941, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ
trương xây dựng lực lượng vũ trang với các hình thức và quy mô thích hợp, giành
chính quyền từng bộ phận, thành lập và mở rộng các căn cứ địa cách mạng và sẵn
sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Trong đấu tranh
giành chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã biết sử dụng bạo lực cách mạng một
cách thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra bộ máy nhà
nước mới của dân, do dân và vì dân. Bạo lực cách mạng được sử dụng ở Cách mạng
Tháng Tám chính là sử dụng lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, gắn kết
hai hình thức đấu tranh là đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tạo nên
sức mạnh tổng hợp của cách mạng để tiến lên giành chính quyền.
Từ khi mới thành lập, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh to lớn của đông
đảo quần chúng nhân dân, sớm đề ra đường lối chiến lược giương cao hai ngọn cờ
độc lập dân tộc và dân chủ, đáp ứng đúng nguyện vọng của đại đa số nhân dân là
độc lập, tự do, người cày có ruộng. Chính vì thế Đảng Cộng sản Việt Nam đã
tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng
liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng
nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành
công". Đây vừa là phương châm để vận động, tập hợp quần chúng, vừa là kết
quả nếu thực hiện tốt phương châm đó. Thắng lợi to lớn và nhanh chóng của Tổng
khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy, Đảng chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ
càng về mặt tổ chức để tập hợp quần chúng vào các đoàn thể yêu nước trong Mặt
trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (tháng 11-1939), Mặt trận dân tộc
thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật ở Đông Dương (tháng 11-1940), rồi đến Mặt
trận Việt Minh (tháng 5-1941), như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông
dân cứu quốc, làm cơ sở để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các công
việc của cách mạng.
Giành chính quyền đã khó
nhưng việc củng cố, bảo vệ và xây dựng chính quyền còn khó khăn hơn. Để giữ
vững chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã dựa chắc vào
nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để vượt qua mọi khó khăn trong
nước, đấu tranh thắng lợi trước thù trong giặc ngoài. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã vận động nhân dân thực hiện tốt 3 nhiệm vụ cách mạng: chống giặc
đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính quyền cách mạng đã kịp thời ban hành các
chính sách nhằm bồi dưỡng sức dân, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết
kiệm, thi đua học chữ quốc ngữ, củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ
chức đánh bại mọi âm mưu phản cách mạng, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh
với kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Bài học thứ ba là vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những
quyết định chính xác và kịp thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính
quyền. Bất cứ một cuộc cách mạng nào đều phải biết tạo ra thời cơ và nắm bắt
thời cơ. Chọn đúng thời cơ là một khoa học và một nghệ thuật. Điều này đã được
thể hiện rất rõ trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nghệ thuật chỉ đạo tài tình
của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng
thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc được thể hiện cụ thể trong Chỉ
thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3 năm 1945 "Nhật Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta" và bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban
khởi nghĩa toàn quốc phát đi vào đêm ngày 13-8-1945 hiệu triệu toàn dân đứng
lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chọn thời điểm đó để phát động Tổng khởi
nghĩa là quyết định sáng suốt. Bởi vì khi đó, cách mạng đã lên tới cao trào,
lực lượng cách mạng lúc này đã lôi kéo được cả những tầng lớp trung gian. Vào
thời điểm này, quân Nhật đã bại trận, mất tinh thần cao độ, chính quyền tay sai
tan rã và đã tỏ thái độ đầu hàng lực lượng cách mạng. Thời cơ khởi nghĩa ngàn
năm có một đã được chọn một cách chính xác trong khoảng 15 ngày trước khi quân
Tưởng Giới Thạch và quân Anh đổ bộ vào Đông Dương dưới danh nghĩa giải giáp vũ
khí của quân đội Nhật. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa sớm hơn, nhân dân chúng
tôi sẽ tổn hại nhiều xương máu. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi
quân Đồng minh đã vào Đông Dương thì cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động của mình
và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Do chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân
Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám đã được nhân lên gấp bội, đã tiến hành Tổng
khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian
ngắn mà ít phải đổ máu. Tuy nhiên, như trên đã nói, mặc dù có thuận lợi khách
quan, nhưng nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của
Cách mạng Tháng Tám. Đó là thắng lợi của đường lối chiến lược, sách lược chủ
động và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam , của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử tuy đã lùi xa nhưng
ý nghĩa lịch sử và giá trị những bài học của Cách mạng Tháng Tám cũng như thành
quả hơn 70 năm xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam) vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để mọi người dân tiếp bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh./.
HÀ AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét