Những
tháng gần đây, việc Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đẩy mạnh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, xử lý theo kỷ luật và pháp luật một số cán bộ sai phạm, trong
đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao được dư luận xã hội đồng tình. Tuy
nhiên, cũng xuất hiện những băn khoăn, lo lắng và cả những quan điểm kích động,
xuyên tạc, cho rằng, phải chăng những sai phạm đã trở thành “lỗi hệ thống” và
đến mức trầm kha, thậm chí bi quan, suy giảm niềm tin. Trước hiện tượng này,
chúng ta cần phải có cái nhìn bình tĩnh với bản lĩnh và niềm tin cách mạng đúng
đắn...
Còn đó bài học “chặt cành để cứu cây”
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng, kỷ luật của Đảng ta là tự giác, nghiêm minh và đặc trưng của pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việc xử lý những cán bộ vi phạm như trên không có gì là bất thường, đột biến từ trước tới nay nếu xét về nguyên tắc kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đã từ lâu, trong xã hội ta, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Và khi mà công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh thì những nguyên tắc ấy càng được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Đó là việc làm bình thường để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; thật sự là người lãnh đạo thật trung thành, người đầy tớ của nhân dân. Đó là đòi hỏi tất yếu để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, “muôn điều phải có thần linh pháp quyền” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm niệm và căn dặn từ những năm đầu thế kỷ trước.