Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế
(USCIRF) mới đây đưa ra Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020-một bản
báo cáo có thể nói là “đáng thất vọng”, trong đó đại ý nhận định rằng, Việt Nam
vẫn chưa có tự do tôn giáo thật sự, đồng thời muốn đưa Việt Nam vào danh sách
các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.
Dù ghi nhận việc
Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 của USCIRF đã đề cập đến những
nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo,
tín ngưỡng của Việt Nam, song Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu
Hằng vào cuối tuần qua cho rằng, báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách
quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về Việt Nam.
Đáng buồn hơn nữa, USCIRF tiếp tục khuyến cáo đưa Việt Nam vào danh
sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.
Trước hết, phải
khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín
ngưỡng, cụ thể là có tổng cộng hơn 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận
và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở
thờ tự; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín
đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Đời sống sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam ngày càng
phong phú với khoảng 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức mỗi năm.
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động giao
lưu, hợp tác và các hoạt động tôn giáo quốc tế lớn, điển hình như Đại lễ Phật
đản Liên hợp quốc Vesak. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực
hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành
cùng dân tộc.