Thời gian gần đây, một số nhà nghiên
cứu phương Tây và một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nước cho rằng, trong thời
đại ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời. Bởi vậy, chúng ta không thể xây
dựng được một xã hội mới tốt đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và
văn minh trên nền tảng của học thuyết lỗi thời đó. Câu hỏi đặt ra là, chủ nghĩa
Mác-Lênin có thật là đã lỗi thời không khi xem xét dưới mọi bình diện, từ ý
nghĩa khoa học, mục tiêu xã hội đến ý nghĩa thực tiễn? Nếu nó là lỗi thời thì
nguyên nhân và cơ sở nào quy định, ngược lại nếu không lỗi thời thì tại sao và
do đâu?
Những người cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời thường dựa chủ yếu
vào 4 lý do sau đây: Thứ nhất, chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời từ những điều kiện
kinh tế - xã hội của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên không còn phù hợp với thực
tiễn hiện nay. Thứ hai, CNXH hiện thực được xây dựng theo học thuyết của C.Mác,
Ph.Ăngghen và V.I. Lênin ở Liên Xô, các nước Đông Âu đã bị sụp đổ. Hiện thực sụp
đổ có nghĩa là lý thuyết sai lầm. Thứ ba, điều kiện kinh tế và xã hội ở các
nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với ở các nước đi theo con
đường XHCN, chứng tỏ CNTB là ưu việt. Và thứ tư, một loạt sai lầm, khuyết điểm
mà các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có nước ta đã và đang mắc phải,
chứng tỏ lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời.