Ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của
Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận. Thế nhưng bằng cái nhìn chủ quan,
phiến diện, với thái độ thiếu thiện chí, trên một vài trang mạng vẫn xuất hiện
những luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật về cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân
dân ta. Cứ mỗi dịp chúng ta kỷ niệm sự kiện trọng đại này là những kẻ hồ đồ lại
"lải nhải" giọng điệu cũ mèm, rằng nhờ “một sự ăn may” mà Cách mạng
Tháng Tám mới thành công chứ Đảng Cộng sản Việt Nam “chẳng tài cán gì”... Lật
tẩy âm mưu, làm rõ bản chất của luận điệu ấy là việc làm quan trọng, cấp thiết
để chúng ta đấu tranh phản bác, đồng thời tiếp tục khẳng định tinh thần bất
diệt, sự trường tồn của Cách mạng Tháng Tám trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Một trong những chiêu trò mà các thế lực thù địch thường sử
dụng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước không cùng
quỹ đạo là phủ nhận ý nghĩa, giá trị của những thắng lợi, thành quả mà các quốc
gia ấy đã giành được. Đối với cách mạng Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Những
kẻ cố tình không nhìn ra giá trị của Cách mạng Tháng Tám lập luận rằng, vào đầu
năm 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Kể từ sau cuộc đảo chính
ngày 9-3-1945, Nhật đã hất cẳng Pháp. Và khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng
quân Đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền
lực”. Họ cho rằng, khi xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì không chỉ với
Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, cách mạng cứ nổ ra là giành thắng
lợi. Từ cách nhìn phiến diện và đơn giản ấy, họ cho rằng Cách mạng Tháng Tám
của Việt Nam
thành công “là một sự ăn may”. Vậy sự thật ở đây là gì? Để trả lời câu hỏi này,
chúng ta cần nhìn lại sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 một cách thấu đáo.