74 năm sau
ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau hơn 30 năm
đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của
độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con
người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là khát vọng, mục tiêu, lý tưởng mà mọi
dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám
1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản
Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), tuyên
bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và
sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
QUYỀN CON NGƯỜI THỐNG NHẤT BIỆN
CHỨNG VỚI QUYỀN DÂN TỘC
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc ngày 2/9/1945 không chỉ khai
sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa
thời đại sâu sắc, bởi tư tưởng về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi
người dân gắn với quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc; tinh thần và ý
chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong hành trình giành
lại quyền tự do, độc lập.