74 năm sau
ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau hơn 30 năm
đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của
độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con
người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là khát vọng, mục tiêu, lý tưởng mà mọi
dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám
1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản
Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), tuyên
bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và
sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
QUYỀN CON NGƯỜI THỐNG NHẤT BIỆN
CHỨNG VỚI QUYỀN DÂN TỘC
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc ngày 2/9/1945 không chỉ khai
sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa
thời đại sâu sắc, bởi tư tưởng về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi
người dân gắn với quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc; tinh thần và ý
chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam trong hành trình giành
lại quyền tự do, độc lập.
Khẳng định về quyền con người và
quyền của mỗi dân tộc là chính đáng, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc, vượt gộp khi trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập
của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp
năm 1791 rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống,
quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1];
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự
do và bình đẳng về quyền lợi”[2].
Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là:
tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai
chối cãi được”[3].
Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam
và dân tộc Việt Nam
đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị
tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại
và quyết tâm bảo vệ.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố
cáo thực dân Pháp: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự
do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của
chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không
cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam,
Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà, để ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng
lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu
nước thương nòi... Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng
dùng thuốc phiện, rượu cồn, đề làm cho nòi giống ta suy nhược...Chúng bóc lột
dân ta đến xương tủy... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý... Chúng không
cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô
cùng tàn nhẫn”[4].
Không chỉ dừng ở đó, mùa thu năm 1940, khi phát xít Nhật đến Đông Dương, thực
dân Pháp lại quỳ gối đầu hàng và “thế là chẳng những chúng không "bảo
hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho
Nhật”, khiến cho nhân dân ta càng thêm cực khổ, khiến cho “hơn hai triệu đồng
bào ta bị chết đói”.
Kiên cường đấu tranh cho độc lập và
tự do, sự thật là: 1) “Từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của
Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”; 2) “Khi Nhật hàng Đồng minh
thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa”; 3) “Dân ta lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự
tay Pháp”; 4) “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ
các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập.
Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng
hòa”[5]
và Việt Nam
đã là một quốc gia độc lập.
Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã
ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt
Nam”; đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc
dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không
công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Vì, “Một dân tộc đã gan góc
chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe
Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải
được độc lập!”[6],
nên “Nước Việt Nam
có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do, độc lập ấy”[7]. Lời
thề độc lập - Lời thề giữ nước thiêng liêng và tinh thần bất diệt của Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 đã vang vọng khắp non sông, đất nước, cho đến mãi muôn đời
sau.
Lịch sử cho thấy, quyền tự do và
bình đẳng là lý tưởng nhân văn của xã hội loài người từ khi có giai cấp. Đấu
tranh cho quyền tự do, bình đẳng của con người nói riêng, của mỗi dân tộc nói
riêng là mục tiêu nhân văn, là lý tưởng của nhân loại tiến bộ. Vì vậy, việc Chủ
tịch Hồ Chí Minh trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp cho thấy, quyền
con người và quyền của dân tộc là một hiện thực khách quan của nhận thức chân
lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ quyền con người, thông qua quyền con
người để xác lập quyền dân tộc và đấu tranh cho quyền dân tộc, bởi quyền con người
chính là cơ sở nền tảng để thiết lập quyền dân tộc. Vì thế, khi mở rộng và phát
triển từ quyền của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc; khẳng định
quyền con người và quyền dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, thống nhất biện
chứng với nhau, tầm cao tư tưởng, tính nhân văn triệt để cách mạng của Hồ Chí
Minh đã được kết tinh trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa.
Nói như Giáo sư Singô Sibata khi
nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, thì “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh
là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân
tôc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của
mình”[8].
Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập
của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân
tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.
Kết tinh của tinh thần, ý chí và
khát vọng độc lập, tự do; kiên trì đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân
Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm
của dân tộc Việt Nam, ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt
Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI
Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ
Chí Minh soạn thảo ngay giữa lòng Hà Nội, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà
tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Văn kiện quan trọng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh
trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng,
các thành viên Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân và ý kiến tham
khảo của A. Patti - đại diện cho quân Đồng minh. Tuyên ngôn Độc lập có 1.120
chữ, được sắp xếp trong 49 câu. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn
gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững
chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế
giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường
xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết
tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh
cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là
một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các
nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập
dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn
mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam
kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định
rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc
lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối
cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và
phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ
thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”. Vì thế, Tuyên ngôn
Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững
chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật,
sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” được khẳng định và
lan tỏa cùng thời đại.
Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước
Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh tiếp tục hướng đến tương lai tươi
sáng, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong
hành trình ấy, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “tất cả các dân tộc trên thế
giới đều sinh ra bình đẳng” trong Tuyên ngôn Độc lập; về điều mong muốn cuối
cùng "toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam
hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào
sự nghiệp cách mạng thế giới" trong Di chúc gắn với “bảo đảm lợi ích
tối cao của quốc gia - dân tộc”[9],
coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng
nhất, có nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, Việt
Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước
có quá khứ là thù địch nhưng công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam. Đó chính là truyền thống bao dung, nhân ái Việt Nam, là xóa bỏ
hận thù và gác lại quá khứ để cùng nhau hướng đến tương lai.
Lịch sử ghi nhận rằng, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp” trong Tuyên ngôn
Độc lập, song cũng chính Người đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng và chủ
động xây dựng tình hữu nghị Việt - Pháp, thật lòng hợp tác và hợp tác toàn diện
với chính phủ, nhân dân Pháp và “hoan nghênh những người Pháp muốn mang tư bản
(vốn) vào nước ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác… chúng
ta có thể mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp
việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng, phải nhắc lại rằng,
điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy,
thì không thể nói chuyện gì được cả”[10]…
Minh chứng sinh động này không chỉ
thể hiện nguyên tắc “bất biến” của Người là độc lập, tự chủ, tất cả vì lợi ích
của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân để ứng với cái “vạn biến” luôn
thay đổi, khó lường mà còn thể hiện tư duy đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt của Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Điều này cũng cho thấy, nhất quán và xuyên suốt trong tư
tưởng Hồ Chí Minh là để được “bình đẳng” và có “quyền bình đẳng” trong quan hệ
quốc tế, thì phải xây dựng thực lực đất nước vững mạnh toàn diện về chính trị,
kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, an ninh... Đồng thời, phải chủ động,
sáng suốt, tỉnh táo để có đối sách phù hợp trước bất kỳ một thế lực ngoại xâm
nào; nhất là khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa, bị xâm phạm thì cần phải tranh
thủ sự ủng hộ của quốc tế gắn với kiên trì, kiên định, quyết liệt nhưng không
cứng nhắc và máy móc; mềm mỏng nhưng không nhân nhượng và nhu nhược trong quyết
sách và hành động.
Từ việc khẳng định các giá trị của
một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự
do trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người
chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người, lời căn dặn "đầu
tiên là công việc đối với con người", chăm lo cho con người trong
bản Di chúc lịch sử, trong gần 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân
ta đã kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến
hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược,
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,v.v.. kiên định mục tiêu độc lập dân
tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới
và hội nhập quốc tế, cùng với những thành tựu về mọi mặt, Việt Nam đã và đang
ngày càng chủ động và tham gia tích cực tại Liên hợp quốc về quyền con người,
đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2014-2016, tham gia vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Ủy ban
liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban
ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư… Ở trong nước, quyền con
người đã được thực thi, được hiến định. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật
về quyền con người, quyền công dân được triển khai xuyên suốt, đồng bộ thông
qua các chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội. Trong quá trình xây
dựng và sửa đổi Hiến pháp, quyền con người và quyền công dân luôn là một vấn đề
căn cốt của các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp
1992, Hiến pháp 2013. Trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên các quyền con người,
quyền và nghĩa vụ công dân đã được Quy định trong chương II. Tiếp đó, thể chế hóa
Hiến pháp 2013, Quốc hội cũng đã sửa đổi và xây dựng nhiều luật trên cơ sở bảo
đảm quyền con người gắn với bảo vệ chế độ xã hội như Bộ luật Hình sự (2015),
Luật Báo chí (2016); Luật Tiếp cận thông tin (2016)… Đặc biệt, có thể nói, mục
tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh” chính là quá trình hiện thực hóa “quyền sung sướng”/“dân
giàu” và “quyền tự do”/“dân chủ”, quyền là chủ, quyền làm chủ của nhân
dân/quyền con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc
lập năm 1945, phù hợp luật pháp quốc tế về quyền con người, bảo vệ quyền con
người.
74 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh
đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, mỗi người
dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn
lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân
tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều
hướng đến.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình
hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, quan hệ
quốc tế vừa có những thuận lợi vừa có nhiều thách thức hiện nay, trên cơ sở xác
định mục tiêu tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ
quyền biển, đảo gắn liền với bảo đảm quyền con người, cuộc sống hòa bình, ấm
no, hạnh phúc cho nhân dân, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục kiên
trì đường lối, chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị với các nước để
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh"./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2016, tr.34.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét