Ngay sau khi thông tin về việc dữ liệu cá nhân
của 50 triệu người dùng Facebook bị rò rỉ, tại Việt Nam đã xuất hiện thông tin một số
người rao bán gói dữ liệu này với giá gần 100 triệu đồng.
Trao đổi với Thanh Niên, anh D.C (Q.10, TP.HCM) chia sẻ đã thấy lời rao
bán gói tài khoản này trong một số nhóm kín trên Facebook trong tối 20.3, nhưng
sau đó các lời rao bán đã nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi nhóm trong sáng 21.3.
Anh Nguyễn Hồng Phúc - một chuyên gia bảo mật
độc lập cho biết, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện một số lời rao bán
các gói dữ liệu Facebook người dùng Việt. Tuy nhiên, các dữ liệu này hầu hết
chỉ là những thông tin cơ bản như: email, ngày tháng sinh nhật, điện thoại,
thông tin tiểu sử...; những dữ liệu này được chính người dùng chấp nhận chia sẻ
khi sử dụng một số ứng dụng bên thứ ba trên Facebook. Sau đó, những người tạo
phần mềm sẽ bán chúng cho các bên khác để phục vụ vào mục đích quảng cáo.
Trong trường hợp vụ việc rò rỉ 50 triệu người
dùng, thì các thông tin này được phân tích sâu và chi tiết hơn nhưng cũng vẫn
chỉ là dữ liệu của người dùng tại Mỹ. Chính vì thế, với các lời rao bán gói dữ
liệu mà có kèm cả mật khẩu của người dùng Facebook, cần cảnh giác vì đây có thể
là hành vi lừa đảo.
Được biết, báo cáo bê bối Facebook cung cấp dữ
liệu cá nhân của 50 triệu người sử dụng cho Cambridge Analytica, một công ty tư
vấn chính trị có văn phòng ở Anh và Mỹ, làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng
thống Mỹ hồi năm 2016 của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, xuất hiện vào
cuối tuần vừa qua. Dữ liệu này đã được đem ra phân tích bởi Cambridge Analytica
vào tháng 6.2016.
Vụ việc khiến Facebook đứng trước thách thức
lớn chưa từng thấy. Không chỉ đối mặt với các cuộc điều tra của cơ quan chức
năng Mỹ và châu Âu, Facebook còn bị nhà đầu tư kiện và chứng kiến giá cổ phiếu
sụt giảm mạnh, hạ khoảng 6% hôm 19.3. Đây là mức giảm lớn nhất của cổ phiếu
Facebook trong bốn năm trở lại đây tính theo tỷ lệ phần trăm.
Facebook không phải là công ty duy nhất trên
thế giới chia sẻ dữ liệu. Các nền tảng di động chính như iOS và Android cho
phép các nhà phát triển thu thập danh sách liên hệ của mọi người với sự cho
phép, trong khi Twitter cũng có tính năng đăng nhập tương tự Facebook Login. Cả
Google và LikedIn cũng có thể thu thập thông tin này.
Trong chiều 21.3, đã xuất hiện một số trang
Facebook đưa ra thông tin hãy đánh BFF vào phần comment dưới bài viết này. Nếu
BFF nổi chữ màu XANH, Facebook của bạn đã được bảo vệ. Nếu BFF nổi chữ ĐEN,
Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc đã bị ai đó hack. Theo các chuyên gia công nghệ, các lời cảnh
tỉnh này thực chất là một trò đùa ác ý và đang "ăn theo" sự kiện
Facebook bị rò rỉ dữ liệu. Bởi lẽ, BFF là viết tắt của Best Friends Forever
(tình bạn mãi mãi) hoặc có nghĩa là “Bạn tốt nhất trên Facebook”.
Nếu dùng từ khóa này bình luận trên Facebook,
lập tức sẽ có một biểu tượng bàn tay màu xanh chuyển động trước màn hình. Điều
này có nghĩa đây là một từ khóa rất bình thường và đã được Facebook quy ước tạo
hiệu ứng từ trước.
Theo Thành Luân (báo Thanh niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét