Trong suốt thời gian từ cuối thế kỷ XX cho đến hiện nay, nội dung chống phá của các thế lực thù địch có thể khái quát ở một số vấn đề cơ bản, như:
- Tiếp tục chống phá về hệ tư tưởng, ý thức hệ mà trực tiếp là những quan điểm nền tảng, cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, cho rằng đã lỗi thời; đề cao mô hình, thể chế nhà nước tư bản chủ nghĩa, tam quyền phân lập, ca ngợi sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học- công nghệ...
- Chống phá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ Đảng với dân, quân đội, công an với nhân dân; phê phán đường lối đối ngoại, trong đó đặc biệt tập trung vào quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.
- Hạ thấp thành tựu, đồng thời khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong quản lý kinh tế- xã hội.
- Hạ bệ thần tượng, tập trung vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhân việc Đảng xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, chúng khuếch đại, chia rẽ nội bộ nhân dân, dân tộc, tôn giáo, khối đại đoàn kết, làm nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
- Thông tin bôi nhọ mô hình, yếu kém của một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại...Từ những nội dung trên, các thế lực thù địch “ chế biến” thành nhiều nội dung cụ thể, có vấn đề chống thường xuyên, liên tục, có nội dung khai thác sâu ở từng thời điểm.
Lực lượng chống phá cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh một số thế lực chính trước đây ở các nước phương Tây, lực lượng “diều hâu” cực đoan, còn một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, “ hận thù” dân tộc sau chiến tranh, một số bất mãn, cơ hội trong nước, móc nối với bên ngoài, trong đó có cả một số nguyên là cán bộ cao cấp, trí thức, văn nghệ sĩ…
Âm mưu, thủ đoạn chống phá linh hoạt hơn, ngoài việc tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình”, “ chiến thắng không cần chiến tranh”, tận dụng tối đa các kênh thông tin, trực tiếp như đài phát thanh, nhà xuất bản trực tiếp hướng vào Việt Nam như trước đây, hiện nay chúng triệt để khai thác thế mạnh truyên thông, mạng xã hội, internet với các hình thức đa dạng, tập trung vào thế hệ trẻ, với các hình thức mới, như linetream, youtube, facebook… tuyên truyền thông tin sai lạc, xuyên tạc sự thật. Một số lĩnh vực thường tập trung đó là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đất đai, biên giới hải đảo, chia rẽ công an, quân đội với dân,..kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ, đưa người từ ngoài vào, phối hợp với những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước, xây dựng ngọn cờ. Nội dung chống phá cũng linh hoạt, đa dạng và tinh vi hơn, thật giả lẫn lộn, trắng đen thay đổi…, nhất là vào các thời điểm quan trọng, sự kiện chính trị lớn của đất nước, như trước và sau Đại hội Đảng các nhiệm kỳ. Trong đó, luận điểm “ Đại hội XIII cần bỏ cụm từ: nền tảng tư tưởng, cứ lý thuyết nào đúng thì theo”là một ví dụ!
Đây thực sự là quan điểm “mơ hồ, ảo giác” sặc mùi phản động của của các thế lực trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều này được ghi trong Hiến pháp, các văn kiện quan trọng của Đảng, trở thành một tuyên ngôn tuyên bố với thế giới, định hướng cho còn đường phát triển của đất nước, là sự phản ánh ý chí, nguyên vọng của người dân, gắn liền với thực tiễn lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng, mang tính chất hiến định. Từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng nghĩa với từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phá bỏ thành quả của đất nước mà biết bao thế hệ hy sinh xương máu gây dựng nên, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước, dân tộc, đó là âm mưu thâm độc.
Càng tinh vi và thâm độc hơn, khi gắn nội dung trên với cụm từ “ cứ lý thuyết nào đúng thì theo!”, bởi vì nếu chỉ đặt vấn đề xóa bỏ nền tảng tư tưởng thì không dễ gì đánh lừa được người nghe. Nhân dân Việt Nam gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam, tin yêu và đi theo Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “ Đảng ta”. Do đó, khi nêu “cứ lý thuyết đúng thì theo”, điều này nghe qua rất hợp lý, có tính xây dựng, nhưng thực chất là sự mâu thuẫn, đánh tráo khái niệm. Hoặc là, nền tảng tư tưởng của Đảng là đúng, được thực tiễn Việt Nam khẳng định, thì “cứ lý thuyết đúng thì theo”như vậy là đủ, không cần kiên trì nền tảng tư tưởng, dễ bị coi là cứng nhắc, giáo điều. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, các thế lực thù địch thường rêu rao về sự “ lạc hậu, lỗi thời” hoặc “chỉ đúng với trước kia, không còn đúng với hiện nay”, điều này cũng đồng nghĩa với việc coi chủ nghĩa Mác- Lênin không còn phù hợp, không còn đúng, và do đó, cứ “ lý thuyết nào đúng thì theo !”càng có vẻ phù hợp. Điều đó phản ánh âm mưu, thủ đoạn và cho thấy rõ mục đích cuối cùng của các thế lực cơ hội, thù địch là mong muốn Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh !
Tuy nhiên, điều mấu chốt trong sự mâu thuẫn của luận điểm“ cứ lý thuyết nào đúng thì theo !” là ở chỗ,các thế lực cơ hội, thù địch thường lấy mô hình, lý thuyết của chủ nghĩa tư bản là chân lý, hoặc các lý thuyết theo chúng là đúng, còn khác với quan điểm của chúng là sai. Thậm chí, không ít trường hợp, do hận thù dân tộc, do thái độ thù địch, những người cộng sản làm bất cứ điều gì có lợi cho đất nước, dân tộc, nhân dân chúng đều phê phán. Ở Việt Nam, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhiều thành tích chúng ta đạt được về xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội được thế giới thừa nhận, nhưng các thế lực cơ hội, thù địch vẫn cứ ra rả phê phán. Bởi vậy, cái gọi là " lý thuyết đúng " với chúng chỉ là ảo tưởng, đánh tráo khái niệm, mập mờ đánh lừa người thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, không thể so sánh một lý thuyết đơn thuần với một nền tảng tư tưởng, hệ tư tưởng, đó là sự so sánh khập khễnh, thiếu tính hệ thống, tính khoa học. Thông thường, một lý thuyết chỉ đề cập đến một vấn đề, một lĩnh vực cụ thể, còn hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng bao gồm nhiều lý thuyết, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong một chỉnh thể thống nhất, bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn.
Như vậy, những luận cứ khoa học và thực tiễn nêu trên cho thấy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện, kết tinh trí tuệ, tinh hoa của nhân loại, luôn được bổ sung, phát triển cùng thời đại và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bởi vậy, đây không phải là những lý thuyết đúng đắn riêng lẻ, mà quan trọng hơn, là những lý thuyết đúng đắn đó gắn kết trong một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất, mang tính cách mạng và khoa học, được thực tiễn Việt Nam kiểm nghiệm và tiếp tục bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn. Trong giai đoạn kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhờ có Chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền, xây dựng thành công Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trên những quan điểm có tính nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra Cương lĩnh, đường lối, chiến lược và các chính sách phù hợp, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đánh pháp, đuổi Nhật, làm nên trận Điện Biên phủ trấn động địa cầu, và hơn thế nữa, đã đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để thống nhất đất nước vào năm 1975. Một đất nước nhỏ bé, lạc hậu như Việt Nam trong những năm chiến tranh, nếu không có đường lối đúng đắn, không thể đánh bại các đế quốc lớn, với tiềm lực kinh tế, khoa học- công nghệ, sức mạnh quân sự vượt trội, điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của nền tảng tư tưởng. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của đất nước, được thực tiễn lịch sử chứng minh và khẳng định.
HỮU AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét