Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng nội bộ, bồi dưỡng đạo đức, tư cách cán
bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đề cập hàng loạt
chứng bệnh và mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Người phân tích sâu sắc: “Mỗi kẻ
địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không
đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Nguồn gốc
bắt nguồn từ “bệnh cá nhân”: “Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì
phe nhóm mình... Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính Đảng”, mắc một trong
những bệnh đó “là hỏng việc”.
Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, phải được chuẩn bị
và tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, trong đó nội bộ ổn định, đoàn kết, thống
nhất ý chí và hành động là yếu tố có tính quyết định tới thành công đại hội. Tuy
nhiên, gần đây cho thấy, những người có hành vi “ăn được cả, ngã về không” đã
dùng thủ đoạn “ném đá giấu tay” tiến hành với nhiều chiêu thức, thủ đoạn, ngày
càng tinh vi để bôi nhọ, xuyên tạc về công tác nhân sự. Họ thường lôi kéo, mua
chuộc, xúi giục những người bất mãn, nhẹ dạ, hoặc đang có mâu thuẫn, xung đột
trong nội bộ để kích động, tuyên truyền, xuyên tạc thông tin. Họ lợi dụng công
nghệ thông tin, mạng xã hội, dưới nhiều danh nghĩa hoặc mạo danh, nặc danh để
đăng tải những tài liệu dưới dạng “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư”, lồng vào đó
là nội dung tố cáo người này, người khác, nhất là những người dự kiến quy hoạch
nhân sự của khóa mới. Cũng có thể chỉ với một chiếc điện thoại, máy tính, họ
núp bóng để tán phát thông tin tới cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân liên
quan gây nên các “đám mây mù”, nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ, nghi ngờ
trong quần chúng, hòng phá hoại sự thành công của đại hội. Điều này được Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện
thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai
trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và
nhân dân”.
Thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc mà các đối tượng “ném đá giấu tay” hay sử dụng thường là: Tung tin thất thiệt, xuyên tạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống cán bộ; phán xét về trình độ năng lực, chuyên môn cán bộ thông qua việc khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm ở những lĩnh vực mà cán bộ đó phụ trách, hoặc công việc cụ thể theo kiểu “bới lông tìm vết”, “bé xé ra to”, thậm chí “đổi trắng thay đen”, dựng chuyện để hạ thấp uy tín; bịa đặt về tình hình sức khỏe, các quan hệ xã hội, gia đình, thậm chí bới móc chuyện riêng tư để bôi nhọ hoặc kê kích, cường điệu hóa…
Ở trong nội bộ cơ quan, đơn vị có những người mang thói “ném đá giấu tay” sẽ làm tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết; cán bộ, đảng viên và quần chúng dễ nảy sinh tư tưởng nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí có thể gây hoang mang, lo lắng, nhất là vào thời điểm tổ chức đại hội đảng các cấp.
Để đấu tranh với các đám “virus”
thông tin, tác động tiêu cực, làm “ô nhiễm” bầu không khí khi tiến hành đại hội
đảng, cấp ủy, cơ quan chức năng các cấp một mặt phải thực hiện nghiêm các
nguyên tắc, quy trình công tác nhân sự, đồng thời phải công minh, khách quan,
tỉnh táo khi tiếp nhận và xử lý các thông tin. Cung cấp kịp thời các thông tin chính
thống, xác minh, kết luận của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền nhằm vạch trần các
luận điệu xuyên tạc, vu khống, bảo vệ cán bộ và định hướng dư luận. Vừa phải xử
lý đối tượng tung tin xấu độc, vừa phải điều tra, làm rõ và xử nghiêm cả những
người tiếp tay, làm cho thông tin lan truyền với động cơ xấu. Việc xử lý ấy cần
căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, đúng
người, đúng việc, đúng khuyết điểm. Đồng thời, cùng với đó, mỗi người phải nâng
cao trình độ, kiến thức về mọi mặt, bình tĩnh, sáng suốt để phân biệt thông
tin, đồng thời phải có thái độ kiên quyết bảo vệ cái đúng, cái tích cực; đẩy
lùi bóng tối thông tin, làm trong sạch nội bộ, góp phần vào thành công đại hội
đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét