Ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Hải
quân Việt Nam
trên đảo Gạc Ma hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ, dấu mốc khẳng
định chủ quyền của Tổ quốc. Hình ảnh đó đã đi vào lịch sử của dân tộc, một hình
ảnh bi tráng, sau này được coi như “vòng tròn bất tử”, bài học vô giá cho thế
hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng ở đâu đó,
vẫn còn đó những bài viết, những bình luận thiếu suy nghĩ về sự kiện lịch sử
này.
Đã 31 năm (14/3/1988-14/3/2019) trôi qua là
quãng thời gian không dài với đời người, những thực sự nó đã chạm tới trái tim
của biết bao con người. Cuộc hải chiến Gạc Ma đã đi qua, 64 chiến sĩ đã hy sinh
anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hãy cùng nhìn lại lịch sử, trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, vào tháng 2/1979,
Trung Quốc đem 60 vạn quân xâm lấn 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đến tháng
3, Trung Quốc rút quân về nước nhưng từ đó, ngày nào họ cũng dùng pháo cối 100
li,120 li nã sang Việt Nam .
Đến năm 1987 thì Trung Quốc bắt đầu gia tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là
quần đảo Trường Sa. Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km2 gồm 100 đảo đất,
đá, và bãi san hô. Năm 1988, Việt Nam đang quản lý 9 đảo đất và 12
bãi san hô ngầm.
Trung Quốc cho tàu trinh sát đi liên
tục suốt nhiều năm để tìm và chiếm đóng những bãi san hô có ý nghĩa chiến lược.
Đến tháng 3/1988, họ đã chiếm đóng Thập Châu Viên, Su Bi, Ga Ven và ngày
14/3/1988 thì chúng ta bị mất đảo Gạc Ma. Thực chất Gạc Ma không phải là đảo mà
là bãi đá ngầm nhưng nó có một vị trí chiến lược vì nằm ở giữa các đảo mà chúng
ta đang quản lý. Nếu Trung Quốc chiếm được Gạc Ma thì họ đã đưa được thế cài
răng lược vào giữa vùng đảo của Việt Nam .
Trước việc tàu chiến Trung Quốc xâm
nhập vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tháng 3/1988 Việt Nam thực
hiện chiến dịch CQ-88, cử các tàu vận tải HQ-604, 605, 505 cùng công binh ra
cắm cờ tại cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Đến tối 13/3/1988, trên đảo có 48
chiến sĩ công binh. Khi lính Trung Quốc đổ bộ thấy cờ Việt Nam cắm ở đó
thì xông đến để nhổ cờ, dập xuống nước. Các chiến sĩ của ta cố sức bảo vệ lá
quốc kỳ nên xảy ra xô xát bằng dao găm. Ngay lập tức, lính Trung Quốc đứng đó
không xa dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 anh em chiến sĩ trên đảo.
Trong trận chiến Gạc Ma 30 năm trước
ấy, 64 chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hi sinh. Việt Nam giữ được
hải đảo Cô Lin và Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó.
Cuộc chiến đấu ở Gạc Ma là một trong
những sự kiện bi hùng, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trong lịch sử dân tộc.
Đó cũng là nơi mà chủ nghĩa anh hùng dân tộc được thể hiện một cách hào hùng
nhất, bi tráng nhất, khi 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã bất khuất hy
sinh, đi vào lịch sử từ cuộc chiến đấu vốn chênh lệch mọi phương diện (cả lực lượng
và vũ khí), một cuộc chiến mà ngay khi chưa bắt đầu họ đã biết sẽ “một đi không
trở lại” nhưng không hề nao núng. Để rồi, 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu đến
hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất trên đảo, từng con sóng trên vùng biển
quê hương.
Đất nước, dân tộc, nhân dân Việt Nam
hàng ngàn đời nay vẫn kiên cường, bất khuất, không chịu khuất phục, đầu hàng
trước kẻ thù xâm lược phương Bắc. Nhưng nói gì thì nói, là một nước nhỏ, bài
học lịch sử về sự nhẫn nhịn, tính hữu hảo, nếu là người có học thức thì chúng
ta đều biết, và hiểu cái thế của Việt Nam lúc bấy giờ. Và vì vậy, cái nhìn về
sự kiện Gạc Ma của một số người thiển cận chỉ làm ta thấy rõ bản chất khốn nạn
của họ mà thôi.
Nhớ lại sự kiện ngày 14-3-1988 tại
đảo đá Gạc Ma không chỉ là thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh anh dũng của
64 chiến sĩ cho độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc ta mà tấm gương
của 64 chiến sĩ cần được giáo dục sâu rộng hơn cho tất cả người Việt Nam hôm
nay cũng như mai sau. Hãy nhìn nhận lịch sử bằng ánh mắt, trái tim nồng ấm,
tinh thần dân tộc sâu sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét