Các nhà mạng đưa ra việc chụp ảnh bổ sung thông tin đối với chủ thuê bao di động là nhằm thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Thế nhưng, nếu phân tích kỹ Nghị định 49 thì có thể thấy các nhà mạng đang làm sai tinh thần và nội dung Nghị định rất quan trọng này.
Theo Nghị định 49, sau ngày 24.4.2018 thì chính các doanh nghiệp viễn thông mới là đối tượng bị phạt chứ không phải là những khách hàng bị họ dọa “khóa một chiều thuê bao”.
Nhà mạng không quản lý tốt sim rác nay đổ khó khăn xuống đầu khách hàng (Tranh: Saté) |
Đối tượng nào phải chụp ảnh?
Hãy xem xét thật kỹ Nghị định 49. Cơ sự bắt nguồn từ Khoản 7, Điều 1 của Nghị định 49/2017 như sau:
“7. Việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các cá nhân sử dụng số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng viễn thông di động thực hiện như sau:
a) Đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao. Bản xác nhận thông tin thuê bao bao gồm toàn bộ các thông tin thuê bao được quy định tại điểm a và điểm b hoặc điểm c khoản 5 Điều này.
b) Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động. Doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, bảo đảm các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định tại điểm b, điểm d khoản 9 Điều này”.
Như vậy các đối tượng thuê bao sẽ được chia làm hai nhóm. Nhóm có từ 3 thuê bao trở xuống (tạm gọi là nhóm A) và nhóm có trên 3 thuê bao (tạm gọi là nhóm B).
Điều 5 quy định như sau:
“5. Thông tin thuê bao bao gồm:
a) Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao: đối với cá nhân (cho bản thân; cho con đẻ, con nuôi dưới 14 tuổi; cho người được giám hộ; cho thiết bị); đối với tổ chức (cho các cá nhân thuộc tổ chức; cho thiết bị);
b) Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam);
c) Thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm: tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng) theo quy định tại điểm b khoản này”.
d) Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, tổ chức đã xuất trình khi đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
đ) Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước)”...
Nhóm B, từ thuê bao thứ 4 trở lên có hai quy định đáng chú ý: Một là “thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu” và “Doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, bảo đảm các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định tại điểm b, điểm d khoản 9 Điều này”.
Theo giải thích từ Cục viễn thông (Bộ TTTT) thì điểm a, khoản 7 quy định bản xác nhận thông tin thuê bao được quy định tại điểm a,b hoặc điểm c khoản 5" chỉ là quy định về nội dung của bản xác nhận mà thôi. Còn tất cả các thông tin thuê bao quy định ở khoản 5 (trong đó có điểm đ- chụp ảnh chủ thuê bao) mà không phân biệt nhóm A,B".
Nghĩa là thuê bao dù ở nhóm A hay B đều phải bổ sung nếu thiếu thông tin. Tuy nhiên, các nhà mạng đã không có lời giải thích rõ ràng về điều này gây nhiều thắc mắc cho hàng triệu thuê bao (cả trả trước lẫn trả sau, cả người có ít hơn 3 thuê bao lẫn khách hàng có từ 4 thuê bao trở lên) trong khi thời hạn 24.4 đến gần, nếu không thực hiện, nhà mạng sẽ bị phạt. Tất nhiên, để tránh phạt thì các nhà mạng cuống cuồng bắt tất cả các thuê bao phải đi chụp hình!
Khách hàng có thể kiện ngược nhà mạng
Câu hỏi là nếu các nhà mạng cứ cắt một chiều nếu các chủ thuê bao không đến chụp ảnh thì sao?
Đầu tiên, nếu nhà mạng làm việc này, đối với những người sử dụng ít hơn 3 thuê bao thì nhà mạng đã vi phạm Nghị định 49 như phân tích ở trên, Nghị định chỉ quy định việc bổ sung thông tin đối với thuê bao thứ 4 trở lên.
Thứ hai, Khoản 8 Điều 1 Nghị định 49 quy định: Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:
“Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều này.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện”.
Như vậy, nếu chủ thuê bao chứng minh mình không nhận được “thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần” thì nhà mạng không có quyền cắt, hoặc tạm dừng dịch vụ.
Thứ ba, đối với các chủ thuê bao, việc họ thực hiện hợp đồng đầy đủ (trong đó có cả việc chụp hình giấy chứng minh nhân dân nộp nhà mạng), đóng tiền hàng tháng thì hợp đồng đó đã căn cứ trên Luật dân sự. Nếu muốn thay đổi, thì nhà mạng phải “đàm phán lại hợp đồng” với từng chủ thuê bao chứ không có quyền đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin.
Việc áp dụng chụp hình chỉ nên áp dụng với những thuê bao sau khi Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực (24.4.2017) còn những thuê bao trước đó trách nhiệm bổ sung thông tin thuộc về nhà mạng. Còn làm cách nào để có đầy đủ, thì nhà mạng cần thỏa thuận với khách hàng của mình bởi hợp đồng dân sự đã được thực hiện.
Được biết phần lớn, gần 70% trong tổng số hàng chục triệu sim thuộc thuê bao trả trước trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thông tin không đúng (do sử dụng sim kích hoạt sẵn, sim lưu trữ thông tin người khác). Đây cũng là lỗi của nhà mạng khi phát triển sin trả trước quá "nóng" trong thời gian qua, nhà mạng phải chịu trách nhiệm chứ không phải những khách hàng đang có hợp đồng với họ, tuân thủ theo đúng pháp luật.
Thứ tư, căn cứ Nghị định thì ngày cuối cùng của cái hạn “trong vòng 12 tháng” là ngày 24.4.2018. Sau ngày này, nếu không thực hiện đúng Nghị định, nhà mạng sẽ bị phạt. Vậy ai cho phép một số nhà mạng dời thời hạn đến tận 15.5 như thông báo?
Sau hôm nay (24.4.2018) thì chính các nhà mạng phải bị phạt. Còn nếu cắt, hoặc ngừng hợp đồng, họ hoàn toàn có thể bị khách hàng kiện ra tòa với những phân tích ở trên.
Hà An (theo Lâm Nhân - báo Lao động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét